-
-
-
Tổng cộng:
-
Làng nghề bánh đa nem Cầu Gạo vào vụ Tết
Cuối năm, khắp các sân nhà, đường làng, ngõ xóm thôn Cầu Gạo (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong) đâu đâu cũng phủ kín màu trắng của những phên bánh đa nem chờ hong khô. Càng cận Tết, không khí làng nghề càng nhộn nhịp, khẩn trương. Hàng vạn mẻ bánh được người dân Cầu Gạo cho ra lò ngay trong đêm để kịp đóng gói đi khắp các tỉnh, thành phục vụ Tết.
Làm nghề bánh đa nem đã gần 20 năm, vợ chồng ông Trần Văn Nhân đã quen với nhịp độ khẩn trương của làng nghề những ngày cuối năm. Dù sản xuất quanh năm nhưng những tháng giáp Tết vẫn là thời điểm nhu cầu bánh đa nem tăng vọt bởi đây là nguyên liệu không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. “Khoảng 3 giờ sáng chúng tôi bắt đầu tráng bánh nhưng các công đoạn chuẩn bị phải làm từ trước đó cả chục tiếng. Có khi nhiều ngày liên tiếp hai vợ chồng chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng/ ngày bởi đơn hàng quá dồn dập và phải tranh thủ lúc trời tạnh dáo, nắng hanh. Nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, hôm nào mưa hoặc nồm ẩm là coi như phải nghỉ bởi không thể phơi được bánh”, ông Nhân bộc bạch.
Trước kia, việc sản xuất chủ yếu sản xuất theo lối thủ công, các công đoạn từ ngâm ngạo, xay thành bột, pha trộn đều làm bằng tay, tráng bánh bằng nồi hơi, bếp than, năng suất thấp. Vài năm gần đây, gia đình chị Xuân và nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy tráng bánh chạy bằng mô tơ điện tốc độ cao. Nhờ đó, việc sản xuất thuận lợi hơn hẳn. Trung bình mỗi ngày máy có thể tráng hết 120kg bột gạo, cho ra lò 2.600 phên bánh, tương đương 24.000 chiếc bánh. Tuy máy móc thay thế sức người trong nhiều công đoạn nhưng theo chị Xuân để giữ được chất lượng bánh đa nem Cầu Gạo thì quan trọng nhất vẫn là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Bên cạnh loại gạo tẻ ngon, không được cho thêm bất cứ phụ gia nào thì bánh mới giữ được độ dẻo dai và hương vị đặc trưng. Cũng vì thế mà bánh đa nem Cầu Gạo vẫn luôn giữ được thương hiệu, uy tín, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đấy.
Nhộn nhịp tráng bánh cả đêm, đến khoảng 7 giờ sáng, các sân nhà, đường ngõ tại Cầu Gạo phủ kín màu trắng của phiên bánh nằm chờ hong khô. Những hộ dân ở đây chỉ tạm nghỉ vài tiếng trước khi bước vào khâu bóc bánh ra khỏi phên và đóng gói thành phẩm. Tại xưởng đóng gói của gia đình bà Đào Thị Liên, nhộn nhịp những chuyến xe hàng ra vào, việc đóng gói được thực hiện khẩn trương từ sáng tới tối. Hơn 20 năm làm nghề, cơ sở của bà Liên được mọi người biết tới là một trong số các cơ sở uy tín với sản lượng bánh thành phẩm hàng ngày cao nhất nhì trong làng. Vào ngày thường xưởng chỉ cần 5-6 người làm nhưng vào khoảng 2 tháng trước Tết Nguyên đán cần đến vài chục lao động, chủ yếu là phụ nữ trung niên trong làng. Các công đoạn đều khá đơn giản như: Bóc bánh, đếm số lượng, bọc bao bì, dán nhãn mác… song để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh trong thời gian ngắn đòi hỏi người làm phải khéo léo, phối hợp nhịp nhàng.
Nhìn những thếp bánh đa nem đóng gói cẩn thận, đẹp mắt tại đây có thể thấy sản phẩm truyền thống của thôn Cầu Gạo đã thực sự bắt kịp với thị trường. Nếu như trước đây Cầu Gạo chỉ có một loại bánh đa để cuộn với thịt, nấm hương, mộc nhĩ làm món nem rán cổ truyền thì giờ đây đã có thêm các loại bánh đa để cuốn hay gói các loại gỏi sống... Hình thức cũng được trau chuốt cẩn thận, bắt mắt hơn để phù hợp đưa vào phục vụ trong các nhà hàng. Bà Liên phấn khởi chia sẻ: “Không chỉ Việt Nam mà bánh đa nem Cầu Gạo đang mở rộng thị trường ra nước ngoài. Thời gian qua, cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tại Hà Nội xuất khẩu bánh đa nem đi Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á. Chúng tôi cũng vừa đón đại diện một doanh nghiệp Hàn Quốc đến kiểm tra thực tế về vấn đề an toàn thực phẩm và nhận được phản hồi tích cực. Thời gian tới những đơn hàng xuất khẩu sẽ nhiều hơn, giá trị sản phẩm của làng nghề cũng sẽ được nâng cao”.
Nghề truyền thống phát triển thuận lợi giúp đời sống người dân thôn Cầu Gạo ổn định, khấm khá. Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn. Những ngày cuối năm, nhịp sản xuất vất vả, khẩn trương nhưng ai ai cũng phấn khởi, vui tươi bởi lẽ không chỉ thu nhập tăng cao mà sản phẩm quê hương góp phần giúp mọi người, mọi nhà đón Tết thêm phần đậm đà, ấm cúng.
Hoài Phương